Monday, August 13, 2012

Lỡ đường

[truyện]

Xe lên đến lưng chừng dốc thì dừng hẳn, máy móc tắt phụt, như tiếng thở phào mỏi mệt giữa ánh nắng chiều đang tỏa rạng. Chỉ chừng vài mươi phút nữa thôi, mặt trời sẽ tắt phía bên này triền núi, dù bên kia, ta có thể nhìn thấy nắng vẫn còn lấp lóa, vàng ươm, nhưng đã phảng phất một vẻ buồn tĩnh lặng của ánh hồi quang. Gió chớm mang hơi ẩm của đêm, báo hiệu một tối cuối thu ảm đạm và lạnh lẽo.
Ông nặng nhọc đứng dậy, lê cái túi trên vai, kéo thêm một túi nặng trình trịch bên chân, ngao ngán nhìn xuống quang cảnh đìu hiu ngoài cửa sổ. Vài ba căn lều quán tạm bợ, mái tôn, vách nứa, phía tría căng bạt xanh, bạt đỏ tùm hum như thời nào đã xa xôi lắm… Mấy cái chòi nhỏ xíu bằng gỗ tạp che phía trước quán, nhô hẳn ra ngoài mặt đường nghễu nghệnh tương to chữ  “đái, tiểu” quệt bằng sơn đỏ như trêu ngươi. Mọi người lục tục vừa chửi rủa, than vãn, vừa ùa ra khỏi chiếc xe dở chứng. Không quen bỗng thành quen nhờ vào những câu nói vô thưởng vô phạt kiểu:  “Xe cộ thế này chán quá!”, hoặc “Xuống đây chẳng biết có cái gì bỏ bụng không nữa?”, hoặc thậm chí đơn giản hơn như: “Trời chiều rồi nhỉ?!”,… chỉ cần người tình cờ đi cạnh hưởng ứng bằng cái gật đầu hay nụ cười mệt mỏi, vậy là đã quen, có thể kéo dài hơn mối quan hệ bằng cách cùng nhau chui một lượt vào trong cái chòi “đái, tiểu” cho đỡ mất thời gian, chia nhau bữa cơm tạm bợ, cùng ngồi uống café tán gẫu chờ xe sửa xong thì chạy tiếp,… Ông không cần làm quen kiểu đó, vì ông có sẵn người bạn đồng hành sẽ chia sẻ với ông những thứ vặt vãnh lê la trong buổi chiều này, kể cả hàng ngàn hàng vạn buổi chiều khác. Bà – vợ ông, cũng vừa đi phía sau vừa than vãn y hệt những người khách cùng chuyến xe này. Hai vợ chồng già, ông chồng gầy ốm, mặt đen, răng vàng ệch, vóc rạc đi vì khói thuốc, đi cạnh bà vợ đẫy đà tóc muối tiêu uốn loăn xoăn kiểu những bà già thành thị, một cặp kiểu mẫu cùng nhau hờ hững bước không chủ định vào một trong những lều quán ven đường. Ngồi sát rào tre, nhìn xuống thung lũng đầy nắng chiều, nếu đừng bận tâm đến đống rác sát ngoài bìa vách thì khung cảnh có thể nói là vô cùng đẹp, một vẻ đẹp đơn sơ và khoáng đạt.
Một bà già khác, đoán là chủ quán, không có vẻ gì là đon đả, do quá hiểu cách chi xài của những cặp vợ chồng già, chậm chạp bước đến, cộc lốc buông hai chữ: “Uống gì?”.
Ông nhìn bà chủ quán, nhìn như thói quen của một người đàn ông, đến tuổi nào thì nghe giọng nữ cũng phải nhìn. Chỉ khác cách nhìn mà thôi. Mắt ông đọng lại giữa ánh mắt của bà ta trong một chốc, rồi quay đi. Bà chủ quán cũng quay đi bằng cách nhìn sang bà, chờ đợi. Bà nhấm nhẳng: “Uống gì thì gọi đi! Ai biết ông thích gì mà gọi cho?”. “Thì bà cứ gọi gì cũng được, vào mấy chỗ này thì quan trọng gì?”. “Thế thì vào chỗ nào mới quan trọng?”. Ông cắt đứt trận chiến đã được khai mào bằng vài từ ngắn gọn: “Một chai bia”.
Nhưng ông vẫn chưa được yên thân. Bà chủ quán hỏi nhỏ nhẹ: “Ông thích bia gì?”. Lần này không phải là hai chữ cộc lốc. Giọng nói cũng không còn xa lạ nữa. Bà ta hỏi ông thích gì? Câu hỏi này ông đã từng được nghe biết bao lần… Lòng bàn tay ông bắt đầu ẩm ướt. Vợ ông không để ông phải bối rối, bà tiếp ngay lời: “Bia gì mà chẳng được! Bà chị cứ lấy bừa đi. Ông ấy thì ai mà hầu cho nổi? Người gì mà suốt ngày cấm ca cấm cẳn, việc gì làm cũng không nên thân, mà cứ ra vẻ khệnh khạng không quan tâm việc nhỏ nhặt. Thế có bao giờ làm được việc gì lớn chưa? Chỉ mệt cái thân tôi thôi. Hôm nay thánh thần gì nhập mà lại còn đòi uống bia nữa chứ? Uống rồi thì chốc nữa đừng có kêu nhà xe nó dừng cho mà tiểu liên tục thì mang nhục đấy…” Không đợi bà nói hết câu, bà chủ quán đã quay lưng. Còn lại hai vợ chồng già ngồi lườm nhau, lườm đến chán thì cùng nhìn ra ngoài thung lũng. Gió chiều thổi phần phật làm bốc tung đám bụi ven đường quốc lộ. Ông cúi mặt tránh làn gió bụi, thấy mắt mình nhòe nhoẹt, nhớ ra là mình lại quên mang kính.
Khi ngẩng đầu lên, mắt ông tự khắc nhìn vào sau quầy nước. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm! Như chớp mắt.
Ông không biết cơn cớ gì đã đưa bà ta đến vùng đất hoang lương này. Cũng chưa từng nghe tin tức gì về bà sau từng ấy năm ly tan. Lần cuối, ông cũng không còn nhớ lần cuối hai người gặp nhau chi tiết ra làm sao. Chỉ biết rằng, hai con người lúc đó, hoàn toàn không còn chút gì để liên tưởng đến hai con người bây giờ. May ra thì bà vẫn còn đôi mắt đẹp và buồn, nhìn là nhận ra ngay. Còn ông? Ông còn sót lại gì của những ngày trai trẻ?
Bà ta đặt bia xuống bàn cho ông, trà đá cho vợ ông vì bà vợ từ chối không gọi thức uống gì. Có lẽ để tạo chút thiện cảm nhằm xóa đi mặc cảm mình vào quán mà tiết kiệm chẳng gọi gì để uống, vợ ông giả lả khi bà ta sắp quay đi: “Vùng này chắc buồn lắm bà chị nhỉ?”. “Dạ, thì chị cũng thấy.” “Tôi là tôi không thể nào sống nổi ở mấy chỗ khỉ ho cò gáy này. Bước ra cửa gặp chợ, mua thức này, bán thức nọ, vậy là tôi vui! Nhưng cái ông thần này thì bướng lắm! Lúc nào cũng về quê, về quê,.. Đấy, trên đường về quê thì chết dí ở đây.”
Hồi xưa, ông với bà ta từng thề ước. Về già hai người sẽ dành dụm tậu một mảnh vườn ở thôn quê. Vườn nằm cạnh sông, lên liếp trồng cà trồng ớt… Bây giờ bà ta lầm lũi ở đây. Ông nhìn quanh quất, thấy sào phơi đồ giăng mấy thứ tủn mủn chỏng chơ. Con chó già nằm uể oải nơi ngạch cửa. Không thấy một liếp cà liếp ớt nào.
Tiếng bà vợ vẫn ong ong bên tai: “Chị được mấy cháu?” “Dạ một thôi, nhưng nó đi làm xa thỉnh thoảng mới tạt về”. Ông thấy căng thẳng, dỏng tai mong bà vợ hỏi tiếp, nhưng mà vợ ông chỉ chờ cho bà ấy dứt câu thì hát ngay một bài quen thuộc: “Ôi! Thế thì chị cực quá! Tôi khác chị. Tôi không được đường chồng, nhưng được đường con. Hai đứa con, một trai, một gái. Ngoan và thành đạt lắm! Thằng lớn có công ty riêng, đứa nhỏ là giảng viên đại học. Có hiếu với mẹ lắm. Thì cũng phải thôi, một tay tôi làm lụng nuôi từng đứa cho đến tận khi ăn học thành tài. Hồi xưa, tôi khổ với cha nó ra trò. Vừa nách con, vừa ghen chồng. Cứ đi biền biệt, không muốn ghen mà thiên hạ họ soi mói mãi cũng phải ghen. Chứ báu gì của đó với tôi. Tôi là tôi lo cho con thôi…”
Ông vẫn im lặng như thói quen. Hồi xưa, lần đầu nghe bài hát này, ông đã điên lên, làm tưng bừng một trận. Nhưng nghe miết cũng quen, ông không còn cãi, chẳng còn điên nữa. Dù không quay đầu lại tỏ vẻ chẳng quan tâm đến câu chuyện đàn bà, ông biết bà ta kín đáo nhìn ông. Khó tưởng tượng được một thanh niên cao lớn, ngang tàng ngày nào, giờ đây ngồi im lặng nghe bà vợ già mỉa mai, kể khổ trước mặt một người đàn bà lạ. Ông đã quen với chuyện đó, nhưng bà ta, chắc rất ngạc nhiên.
Ông để cho đầu óc mình lơ đãng quay về những ngày tháng cũ. Trong ánh tà dương trải dài ra thung lũng xanh trước mắt, ông như thấy lại hình ảnh người con gái trẻ trung, đằm thắm. Nhớ lần chạy loạn, ông phải cõng nàng, thân thể con gái tựa vào lưng ông ấm áp. Nhớ những buổi chiều mưa, hai người ngồi ăn kem trên đường Trương Minh Giảng. Nhớ đêm buồn trong cư xá, họ đã trao thân lần đầu. Rồi nhiều đêm sau đó, mãnh liệt và chìm đắm, những ngày mà thành phố tan tác thảm thương. Những ngày, những đêm, không biết sẽ ai còn, ai mất. Họ không quan tâm đến chiến sự bên ngoài, đến radio đang ra rả hay tiếng trực thăng quần đảo. Cứ yêu nhau, như ngày mai không bao giờ tồn tại…
Nhưng ngày mai tưởng không bao giờ đến đó lại là hiện thực hôm nay, ông ngồi đây, giữa ông và bà ta là một người đàn bà khác, miệng vẫn huyên thuyên không dứt: “Sống như chị vậy mà sướng, như thân tôi, lắm lúc bực đến chết được chị ơi! Mình khổ mình biết, ai đâu mà biết cho…” Ông cười thầm, trong im lặng. Không biết ai sướng, ai khổ? Ông hay hai người đàn bà kia?
Tiếng máy xe bỗng vang lên tạo nên âm thanh ồn ào tán thưởng từ khắp dãy lều quán, cắt đứt tiếng nói của bà và dòng hồi tưởng của ông. Lập tức ông đưa mắt nhìn bà ta. Bà ta cũng đang nhìn ông, cái nhìn ngập ngừng, ái ngại. Phải, bà ta đang thương hại ông. Lúc nào cũng thế. Dù trẻ hơn ông, nhưng bà luôn là người dày dạn, hiểu đời. Bà ta không thấy tủi thẹn gì về hoàn cảnh của mình. Chẳng những thế, bà còn thương cảm cho ông. Cho cái cuộc đời mà ông đã từng vẽ ra với bà ta biết bao nhiêu viễn cảnh. Bà chưa từng nói với ông về một viễn cảnh nào của riêng bà ấy. Đàn bà dễ sống hơn đàn ông ở chỗ không tự đan cho mình một cái rọ tham vọng để chui vào, tự biến mơ ước cuộc đời thành tù ngục, để rồi chết trong bất đắc chí và cảm giác thương thân. Ngày ngày, bà ta ngồi nhìn ra thung lũng khoáng đạt này, liệu có bao giờ, bà ta nhớ đến ông?
Mọi người lại lục tục kéo trở lên xe khi trời đã chập choạng chìm vào bóng tối, bà vợ trả tiền, thốt vài lời từ biệt mang tính xã giao. Ông không biết phải nói gì, im lặng kéo lê hai túi hành lý bằng đôi cánh tay bị hành hạ mỗi này vì tê thấp. Bà ta cúi đầu thu dọn ly tách, tránh nhìn vào mắt ông. Khi kéo ghế bước ngang qua bà để theo vợ lên xe, một cách vô thức, ông nhìn vào phía sau tai trái của bà. Hơn bốn mươi năm, tự dưng có một dấu ấn nhỏ nhoi mà đã lâu không nhớ đến, trong một khoảnh khắc bỗng ùa về. Cái nốt ruồi vẫn nằm đó, sau tai trái. Đẹp một cách lặng lẽ, rất buồn. Nốt ruồi đó, ông vẫn hay hôn, những khi họ yêu nhau. Cái bắt gặp nhỏ nhoi làm ông đau đớn tưởng khụy chân không bước nổi. Nhưng rồi ông vẫn lên xe, ngồi im lặng. Cạnh ông, bà vợ vẫn càu nhàu gì đó, hình như bà phàn nàn quán sá gì mà dơ bẩn đến đi tiểu cũng không dám đi.
Ông ngồi trên xe, vói trông qua cửa xe hình ảnh túp nhà lụp xụp và bóng người đàn bà cô quạnh, gió vút qua tấm bạt như nghe rõ tiếng lật phật, ông chỉ thấy tiếc sao lúc nãy, bà vợ không hỏi rằng con bà ta là trai hay gái?

@hanwonders

3 comments:

  1. Đọc xong, ngẫm nghĩ mãi vẫn không biết nên xếp truyện vào loại văn học nào trong 3 loại sau:

    - Loại mờ nhạt, rẻ tiền, xúc cảm vu vơ, vụn vặt, vô thưởng vô phạt.
    - Loại có trăn trở, có suy tư, nhưng toàn đau đáu những nồi niềm xưa cũ, tương lai chả biết phải vứt đi đâu và vứt cho ai?


    ReplyDelete
  2. sao bạn không viết tiếp ?

    ReplyDelete