Monday, August 13, 2012

Lỡ đường

[truyện]

Xe lên đến lưng chừng dốc thì dừng hẳn, máy móc tắt phụt, như tiếng thở phào mỏi mệt giữa ánh nắng chiều đang tỏa rạng. Chỉ chừng vài mươi phút nữa thôi, mặt trời sẽ tắt phía bên này triền núi, dù bên kia, ta có thể nhìn thấy nắng vẫn còn lấp lóa, vàng ươm, nhưng đã phảng phất một vẻ buồn tĩnh lặng của ánh hồi quang. Gió chớm mang hơi ẩm của đêm, báo hiệu một tối cuối thu ảm đạm và lạnh lẽo.
Ông nặng nhọc đứng dậy, lê cái túi trên vai, kéo thêm một túi nặng trình trịch bên chân, ngao ngán nhìn xuống quang cảnh đìu hiu ngoài cửa sổ. Vài ba căn lều quán tạm bợ, mái tôn, vách nứa, phía tría căng bạt xanh, bạt đỏ tùm hum như thời nào đã xa xôi lắm… Mấy cái chòi nhỏ xíu bằng gỗ tạp che phía trước quán, nhô hẳn ra ngoài mặt đường nghễu nghệnh tương to chữ  “đái, tiểu” quệt bằng sơn đỏ như trêu ngươi. Mọi người lục tục vừa chửi rủa, than vãn, vừa ùa ra khỏi chiếc xe dở chứng. Không quen bỗng thành quen nhờ vào những câu nói vô thưởng vô phạt kiểu:  “Xe cộ thế này chán quá!”, hoặc “Xuống đây chẳng biết có cái gì bỏ bụng không nữa?”, hoặc thậm chí đơn giản hơn như: “Trời chiều rồi nhỉ?!”,… chỉ cần người tình cờ đi cạnh hưởng ứng bằng cái gật đầu hay nụ cười mệt mỏi, vậy là đã quen, có thể kéo dài hơn mối quan hệ bằng cách cùng nhau chui một lượt vào trong cái chòi “đái, tiểu” cho đỡ mất thời gian, chia nhau bữa cơm tạm bợ, cùng ngồi uống café tán gẫu chờ xe sửa xong thì chạy tiếp,… Ông không cần làm quen kiểu đó, vì ông có sẵn người bạn đồng hành sẽ chia sẻ với ông những thứ vặt vãnh lê la trong buổi chiều này, kể cả hàng ngàn hàng vạn buổi chiều khác. Bà – vợ ông, cũng vừa đi phía sau vừa than vãn y hệt những người khách cùng chuyến xe này. Hai vợ chồng già, ông chồng gầy ốm, mặt đen, răng vàng ệch, vóc rạc đi vì khói thuốc, đi cạnh bà vợ đẫy đà tóc muối tiêu uốn loăn xoăn kiểu những bà già thành thị, một cặp kiểu mẫu cùng nhau hờ hững bước không chủ định vào một trong những lều quán ven đường. Ngồi sát rào tre, nhìn xuống thung lũng đầy nắng chiều, nếu đừng bận tâm đến đống rác sát ngoài bìa vách thì khung cảnh có thể nói là vô cùng đẹp, một vẻ đẹp đơn sơ và khoáng đạt.
Một bà già khác, đoán là chủ quán, không có vẻ gì là đon đả, do quá hiểu cách chi xài của những cặp vợ chồng già, chậm chạp bước đến, cộc lốc buông hai chữ: “Uống gì?”.
Ông nhìn bà chủ quán, nhìn như thói quen của một người đàn ông, đến tuổi nào thì nghe giọng nữ cũng phải nhìn. Chỉ khác cách nhìn mà thôi. Mắt ông đọng lại giữa ánh mắt của bà ta trong một chốc, rồi quay đi. Bà chủ quán cũng quay đi bằng cách nhìn sang bà, chờ đợi. Bà nhấm nhẳng: “Uống gì thì gọi đi! Ai biết ông thích gì mà gọi cho?”. “Thì bà cứ gọi gì cũng được, vào mấy chỗ này thì quan trọng gì?”. “Thế thì vào chỗ nào mới quan trọng?”. Ông cắt đứt trận chiến đã được khai mào bằng vài từ ngắn gọn: “Một chai bia”.
Nhưng ông vẫn chưa được yên thân. Bà chủ quán hỏi nhỏ nhẹ: “Ông thích bia gì?”. Lần này không phải là hai chữ cộc lốc. Giọng nói cũng không còn xa lạ nữa. Bà ta hỏi ông thích gì? Câu hỏi này ông đã từng được nghe biết bao lần… Lòng bàn tay ông bắt đầu ẩm ướt. Vợ ông không để ông phải bối rối, bà tiếp ngay lời: “Bia gì mà chẳng được! Bà chị cứ lấy bừa đi. Ông ấy thì ai mà hầu cho nổi? Người gì mà suốt ngày cấm ca cấm cẳn, việc gì làm cũng không nên thân, mà cứ ra vẻ khệnh khạng không quan tâm việc nhỏ nhặt. Thế có bao giờ làm được việc gì lớn chưa? Chỉ mệt cái thân tôi thôi. Hôm nay thánh thần gì nhập mà lại còn đòi uống bia nữa chứ? Uống rồi thì chốc nữa đừng có kêu nhà xe nó dừng cho mà tiểu liên tục thì mang nhục đấy…” Không đợi bà nói hết câu, bà chủ quán đã quay lưng. Còn lại hai vợ chồng già ngồi lườm nhau, lườm đến chán thì cùng nhìn ra ngoài thung lũng. Gió chiều thổi phần phật làm bốc tung đám bụi ven đường quốc lộ. Ông cúi mặt tránh làn gió bụi, thấy mắt mình nhòe nhoẹt, nhớ ra là mình lại quên mang kính.
Khi ngẩng đầu lên, mắt ông tự khắc nhìn vào sau quầy nước. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm! Như chớp mắt.
Ông không biết cơn cớ gì đã đưa bà ta đến vùng đất hoang lương này. Cũng chưa từng nghe tin tức gì về bà sau từng ấy năm ly tan. Lần cuối, ông cũng không còn nhớ lần cuối hai người gặp nhau chi tiết ra làm sao. Chỉ biết rằng, hai con người lúc đó, hoàn toàn không còn chút gì để liên tưởng đến hai con người bây giờ. May ra thì bà vẫn còn đôi mắt đẹp và buồn, nhìn là nhận ra ngay. Còn ông? Ông còn sót lại gì của những ngày trai trẻ?
Bà ta đặt bia xuống bàn cho ông, trà đá cho vợ ông vì bà vợ từ chối không gọi thức uống gì. Có lẽ để tạo chút thiện cảm nhằm xóa đi mặc cảm mình vào quán mà tiết kiệm chẳng gọi gì để uống, vợ ông giả lả khi bà ta sắp quay đi: “Vùng này chắc buồn lắm bà chị nhỉ?”. “Dạ, thì chị cũng thấy.” “Tôi là tôi không thể nào sống nổi ở mấy chỗ khỉ ho cò gáy này. Bước ra cửa gặp chợ, mua thức này, bán thức nọ, vậy là tôi vui! Nhưng cái ông thần này thì bướng lắm! Lúc nào cũng về quê, về quê,.. Đấy, trên đường về quê thì chết dí ở đây.”
Hồi xưa, ông với bà ta từng thề ước. Về già hai người sẽ dành dụm tậu một mảnh vườn ở thôn quê. Vườn nằm cạnh sông, lên liếp trồng cà trồng ớt… Bây giờ bà ta lầm lũi ở đây. Ông nhìn quanh quất, thấy sào phơi đồ giăng mấy thứ tủn mủn chỏng chơ. Con chó già nằm uể oải nơi ngạch cửa. Không thấy một liếp cà liếp ớt nào.
Tiếng bà vợ vẫn ong ong bên tai: “Chị được mấy cháu?” “Dạ một thôi, nhưng nó đi làm xa thỉnh thoảng mới tạt về”. Ông thấy căng thẳng, dỏng tai mong bà vợ hỏi tiếp, nhưng mà vợ ông chỉ chờ cho bà ấy dứt câu thì hát ngay một bài quen thuộc: “Ôi! Thế thì chị cực quá! Tôi khác chị. Tôi không được đường chồng, nhưng được đường con. Hai đứa con, một trai, một gái. Ngoan và thành đạt lắm! Thằng lớn có công ty riêng, đứa nhỏ là giảng viên đại học. Có hiếu với mẹ lắm. Thì cũng phải thôi, một tay tôi làm lụng nuôi từng đứa cho đến tận khi ăn học thành tài. Hồi xưa, tôi khổ với cha nó ra trò. Vừa nách con, vừa ghen chồng. Cứ đi biền biệt, không muốn ghen mà thiên hạ họ soi mói mãi cũng phải ghen. Chứ báu gì của đó với tôi. Tôi là tôi lo cho con thôi…”
Ông vẫn im lặng như thói quen. Hồi xưa, lần đầu nghe bài hát này, ông đã điên lên, làm tưng bừng một trận. Nhưng nghe miết cũng quen, ông không còn cãi, chẳng còn điên nữa. Dù không quay đầu lại tỏ vẻ chẳng quan tâm đến câu chuyện đàn bà, ông biết bà ta kín đáo nhìn ông. Khó tưởng tượng được một thanh niên cao lớn, ngang tàng ngày nào, giờ đây ngồi im lặng nghe bà vợ già mỉa mai, kể khổ trước mặt một người đàn bà lạ. Ông đã quen với chuyện đó, nhưng bà ta, chắc rất ngạc nhiên.
Ông để cho đầu óc mình lơ đãng quay về những ngày tháng cũ. Trong ánh tà dương trải dài ra thung lũng xanh trước mắt, ông như thấy lại hình ảnh người con gái trẻ trung, đằm thắm. Nhớ lần chạy loạn, ông phải cõng nàng, thân thể con gái tựa vào lưng ông ấm áp. Nhớ những buổi chiều mưa, hai người ngồi ăn kem trên đường Trương Minh Giảng. Nhớ đêm buồn trong cư xá, họ đã trao thân lần đầu. Rồi nhiều đêm sau đó, mãnh liệt và chìm đắm, những ngày mà thành phố tan tác thảm thương. Những ngày, những đêm, không biết sẽ ai còn, ai mất. Họ không quan tâm đến chiến sự bên ngoài, đến radio đang ra rả hay tiếng trực thăng quần đảo. Cứ yêu nhau, như ngày mai không bao giờ tồn tại…
Nhưng ngày mai tưởng không bao giờ đến đó lại là hiện thực hôm nay, ông ngồi đây, giữa ông và bà ta là một người đàn bà khác, miệng vẫn huyên thuyên không dứt: “Sống như chị vậy mà sướng, như thân tôi, lắm lúc bực đến chết được chị ơi! Mình khổ mình biết, ai đâu mà biết cho…” Ông cười thầm, trong im lặng. Không biết ai sướng, ai khổ? Ông hay hai người đàn bà kia?
Tiếng máy xe bỗng vang lên tạo nên âm thanh ồn ào tán thưởng từ khắp dãy lều quán, cắt đứt tiếng nói của bà và dòng hồi tưởng của ông. Lập tức ông đưa mắt nhìn bà ta. Bà ta cũng đang nhìn ông, cái nhìn ngập ngừng, ái ngại. Phải, bà ta đang thương hại ông. Lúc nào cũng thế. Dù trẻ hơn ông, nhưng bà luôn là người dày dạn, hiểu đời. Bà ta không thấy tủi thẹn gì về hoàn cảnh của mình. Chẳng những thế, bà còn thương cảm cho ông. Cho cái cuộc đời mà ông đã từng vẽ ra với bà ta biết bao nhiêu viễn cảnh. Bà chưa từng nói với ông về một viễn cảnh nào của riêng bà ấy. Đàn bà dễ sống hơn đàn ông ở chỗ không tự đan cho mình một cái rọ tham vọng để chui vào, tự biến mơ ước cuộc đời thành tù ngục, để rồi chết trong bất đắc chí và cảm giác thương thân. Ngày ngày, bà ta ngồi nhìn ra thung lũng khoáng đạt này, liệu có bao giờ, bà ta nhớ đến ông?
Mọi người lại lục tục kéo trở lên xe khi trời đã chập choạng chìm vào bóng tối, bà vợ trả tiền, thốt vài lời từ biệt mang tính xã giao. Ông không biết phải nói gì, im lặng kéo lê hai túi hành lý bằng đôi cánh tay bị hành hạ mỗi này vì tê thấp. Bà ta cúi đầu thu dọn ly tách, tránh nhìn vào mắt ông. Khi kéo ghế bước ngang qua bà để theo vợ lên xe, một cách vô thức, ông nhìn vào phía sau tai trái của bà. Hơn bốn mươi năm, tự dưng có một dấu ấn nhỏ nhoi mà đã lâu không nhớ đến, trong một khoảnh khắc bỗng ùa về. Cái nốt ruồi vẫn nằm đó, sau tai trái. Đẹp một cách lặng lẽ, rất buồn. Nốt ruồi đó, ông vẫn hay hôn, những khi họ yêu nhau. Cái bắt gặp nhỏ nhoi làm ông đau đớn tưởng khụy chân không bước nổi. Nhưng rồi ông vẫn lên xe, ngồi im lặng. Cạnh ông, bà vợ vẫn càu nhàu gì đó, hình như bà phàn nàn quán sá gì mà dơ bẩn đến đi tiểu cũng không dám đi.
Ông ngồi trên xe, vói trông qua cửa xe hình ảnh túp nhà lụp xụp và bóng người đàn bà cô quạnh, gió vút qua tấm bạt như nghe rõ tiếng lật phật, ông chỉ thấy tiếc sao lúc nãy, bà vợ không hỏi rằng con bà ta là trai hay gái?

@hanwonders

người việt nam hèn hạ

Bài viết này sẽ không có một chữ việt nam nào được viết hoa.
Bởi chúng ta có xứng đáng được trân trọng như vậy không? Không hề.
Cách đây đã lâu, tôi đọc “người trung quốc xấu xí” của ông Bá Dương (Đài Loan), chưa bàn tới hay/ dở/ đúng/ sai của nội dung cuốn sách gây tranh cãi ầm ĩ đó, tôi chỉ nhớ lại cảm giác giật mình của tôi khi đó. Khi tôi đọc lướt qua vài trang sách. Tôi như vỡ ra một niềm cảm khái mà từ lâu nó cứ âm ỉ trong lòng. Tôi biết thế giới đã từng có những cuốn “Người Mỹ xấu xí”, “Người Nhật Bản xấu xí”, rồi mới đến cuốn của ông Bá Dương. Tôi vừa đọc, vừa tự hỏi, tại sao người việt nam chúng ta không có một cuốn như thế này? Tại sao chúng ta cứ tự ru ngủ mình trong cái điệp khúc dân tộc việt nam là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” & nhìn đâu cũng thấy anh hùng, liệt sĩ… Nếu thực sự chúng ta có những tố chất đó, nếu thực sự chúng ta là những người như thế, sao kết quả chúng ta hiện nay lại là một đất nước như thế này?
Một đất nước mà hơn phân nửa các cô cậu tú tài đi thi cử nhân khoe rằng mình có quay cóp một cách hoàn toàn không có chút tự trọng (đó là được hỏi, còn báo chí không cần hỏi vẫn có những hình ảnh phao thi trắng cả trường thi! Vậy thì thi cái gì? Thi xem ai quay cóp giỏi hơn chăng?). Trong đó còn có cả những đứa trẻ bảo rằng năm nay không thi thì năm sau thi, chứ làm bài mà phỉ báng “thần tượng Su-Ju” của nó là nó không thi! Mặc cho bao nhiêu tâm sức, kỳ vọng của gia đình, nhà trường, xã hội – những nền tảng đã cho nó có được cuộc sống và kiến thức để mà tiếp cận được với Su-Ju danh giá của nó. Thế mà nó vẫn được rất nhiều đứa trẻ khác tung hô! Chính là những đứa trẻ sẵn lòng khóc lóc, quỳ gối, hôn ghế… trước thần tượng. Một dân tộc gì đã sản sinh và nuôi dạy ra một thế hệ kế thừa như thế?
Con nít nó học cha anh mà ra, chúng ta đã nuôi dạy trẻ con thành ra như thế sao? Đừng ai đổ thừa cho ai. Vì trường học đổ cho cha mẹ, cha mẹ đổ cho xã hội, xã hội đổ cho cha mẹ & nhà trường. Tóm lại, đừng đổ nữa. Hãy biết hốt về mình đi! Tất cả chúng ta là người lớn, chúng ta đều có lỗi.
Bởi người lớn có hơn gì? Một xã hội mà người ta đang sẵn lòng thuốc chết nhau đi từng ngày bởi tiền bạc bất kể lương tri. Làm quan thì chỉ lo vơ vét, tham nhũng, quỳ gối trước ngoại bang để duy trì sự thống trị trước nhân dân. Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường & trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có,… nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm”. Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình”. Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó! Tiếng súng không còn nổ ngoài đường. Một cuộc chiến khác đậm chất mafia, côn đồ, đảo Sicily chắc còn phải chào thua nhà cầm quyền việt nam trước khả năng dùng “luật im lặng” của họ với dân mình. Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất. Trong khi họ giữ đất cho ai? Những đứa thanh niên đó nó đang nghĩ gì khi quay lưng lại với dân tộc mình? Đơn giản thôi. Nó tin rằng nếu trung thành với cái thể chế mà nó đang phục vụ, thể chế đó sẽ cho nó công việc ổn định, đặc quyền, đặc lợi hơn người. Vậy là nó nhắm mắt làm theo, coi nhân dân là cỏ rác, cũng vì lợi ích cá nhân & gia đình nó – nếu nó có nghĩ tới. Chứ ngoài ra, liệu còn cái lý tưởng cao đẹp nào có thể tin vào lúc này? Đừng nói với tôi là “lý tưởng Hồ Chí Minh” hay “lý tưởng cộng sản” nhé! Hỏi những đứa mặc áo xanh cán bộ Đoàn thử xem, nó nói có trôi chảy không? Tôi đã thử rồi, rốt cuộc là ngồi im nghe tôi nói huyên thuyên toàn những điều mà trường học gọi là “phản động”.
Cuộc chiến này được khoác lên chiếc áo bảo vệ hòa bình, tự do, hạnh phúc. Còn bên trong là để bảo vệ quyền lợi, quyền lực cho một nhóm người gắn kết với nhau bằng những chiếc răng cùng gặm vào xương máu người nghèo, người thất học, người bán buôn lương thiện hàng ngày. Những người mỗi ngày chỉ biết tạ ơn trời phật đã cho chúng con một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị CSGT thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết,..
Thế là cái dân tộc đầy sợ sệt, bất an đó cuống cuồng kiếm tiền, cuống cuồng vơ chỗ này, cấu chỗ kia để lo cho cái thân mình. Họ còn biết làm gì nữa?
Và khi họ chăm chắm vào tiền và sự yên ổn cho mình, họ để mặc cho một bọn ác khác lên ngôi, bọn này là sản phẩm của công thức: Bên trên, chúng nhìn thấy cách hành xử của một chính quyền côn đồ, có tiền là ra luật + Bên cạnh, chúng nhìn thấy những con người thờ ơ với người khác, chỉ còn biết nghĩ tới mình + Bên dưới, chúng nhận ra một đám người khổ sở, sợ sệt, yếu ớt = Chúng chợt nhận ra chúng có khả năng luồn cúi bên trên, tránh né bên cạnh & ức hiếp bên dưới.
Sao mà tôi sợ bọn người đó như thế?!
Bọn đó tập trung vào các cơ quan công quyền, làm quản lý, làm công an, làm công chức,… làm “đầy tớ” của nhân dân!
Bọn công bộc đó đã cùng nhau đẩy những cụ già bỏ quê bỏ xứ, lên Sài gòn ngồi vạ vật dầm mưa dãi nắng suốt ngày đêm, ngày này qua tháng nọ để kêu oan.
Bọn công bộc đó đã đẩy 2 mẹ con người phụ nữ nọ phải dùng đến cách phản kháng cuối cùng mà họ có là khỏa thân ở giữa đường để đòi lại công bằng. Vì trong tay họ còn có gì để chống lại chúng ngoài phẩm cách  của người đàn bà vốn được coi là thiêng liêng? Họ dùng đến cách đó, và cuối cùng bị chúng lôi kéo dọc đường và nỗi oan của họ có ai thèm đoái tới?
Bọn công bộc đó đã đẩy đến đỉnh điểm hôm nay, một người mẹ uất ức tự thiêu trước cổng 1 cơ quan công quyền vì không còn sức để chịu đựng chúng…
Tôi sợ bọn chúng vì bọn chúng đông quá, đông như kiến cỏ. Chúng nhan nhản khắp nơi, ngày ngày bóp chết mọi ước mơ, triệt tiêu mọi khao khát, thêm sự dốt nát của chúng vào nữa là hoàn hảo để tạo ra một nền kinh tế xã hội thụt lùi đến chóng mặt, quay cuồng trong dối trá và danh lợi. Đáng sợ hơn, cuộc sống ấm êm no đủ của chúng nhờ vào tính cơ hội – thu vén lại là sự thèm khát của những tầng lớp khác. Khiến cho những con thiêu thân non trẻ khác lao vào như một cơ hội ngàn vàng.
Bọn này tiếp tay cho bọn con buôn cũng lưu manh không kém. Thế là chúng ta ăn thức ăn có độc mỗi ngày, con cháu chúng ta uống sữa độc mỗi ngày, chúng ta đi trên những con đường hiểm họa mỗi ngày, chúng ta tiêu dùng những gì chúng mang tới, chúng ban phát, với giá mà chúng ấn định, với mức thuế mà chúng muốn,… không còn một lựa chọn nào khác. Không biết làm gì khác, không có phản ứng gì khác! Vì chúng ta lương thiện.
Kẻ không lương thiện có những phản ứng tàn độc hơn, hoặc biến hẳn sang một trạng thái sống khác, như một sự kết tinh cao cấp hơn của một xã hội đương nhiên sẽ sản sinh ra nó.
Tôi nghĩ đến bọn này khi tôi đọc tin về tên bác sĩ lợi dụng lúc mẹ của bệnh nhi đi lấy giấy xét nghiệm, hắn hãm hiếp đứa bé mới 3 tuổi.
Tôi đọc tin ông bà chủ đánh trẻ làm công đến thương tật.
Tôi đọc tin một gã thanh niên có học chặt chém bạn gái mình thành từng khúc chỉ vì một chiếc xe máy và chút ít tài sản.
Tôi đọc tin bọn chủ & lơ xe vứt xác hành khách bị lèn chết giữa đường mà cả xe không ai phản ứng.
Tôi đọc tin nữ sinh phải ngủ với thầy giáo để được điểm tốt.
Tôi đọc tin người đi đường bị cướp, may mắn giật lại được túi tiền, nhưng túi rách, tiền bay ra, xung quanh thiên hạ xúm lại nhặt, nhưng không phải nhặt giúp, mà nhặt hết đi không chừa lại đồng nào. Thay vì bị 1 đứa cướp, anh ta bị cả con đường đè ra mà cướp!
… còn rất nhiều tin.
Một dân tộc gì mà độc ác và hèn hạ thế?
Dĩ nhiên không chỉ có mình tôi biết đau đớn vì những điều đó.
Chúng ta có cả một thứ to tát mà tôi tạm gọi là “nền văn chương than khóc”.
Trong những tác phẩm thi ca xuất bản từ khoảng 20 năm trở lại đây, tôi không dám nói mình đọc nhiều hay nghe nhiều, nhưng tôi cố gắng đọc, nghe, cố gắng tìm tòi, cố gắng tìm kiếm một tác phẩm nó xứng đáng làm cho tôi thấy dân tộc việt nam của tôi thực sự là “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” một cách đúng nghĩa. Vì hãy quên những hình tượng cách mạng cao đẹp trong văn chương hay cả âm nhạc của miền Bắc thời chiến tranh đi! Đó không phải là văn chương, nó là thuốc pháo, tìm cách dẫn dắt, thôi thúc người ta chém giết & chết. Không hơn không kém.
Các bạn có tìm kiếm giống tôi không? Và các bạn có tìm thấy không? Hay đầy rẫy xung quanh chúng ta chỉ có 3 loại:
  • Loại mờ nhạt, rẻ tiền, xúc cảm vu vơ, vụn vặt, vô thưởng vô phạt.
  • Loại có trăn trở, có suy tư, nhưng toàn đau đáu những nồi niềm xưa cũ, tương lai chả biết phải vứt đi đâu và vứt cho ai?
  • Loại mạnh mẽ hơn, trực diện hơn, nhưng tầm vóc tác phẩm chỉ ở mức gẩy lên 1 tiếng đàn, rồi thôi!
Tinh thần chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng những thứ chỉ đến mức đó thôi.
Còn những thứ hổ lốn lai căng phát trên TV, bán ngoài sạp báo mỗi ngày, tôi không dám kể tới, vì đó là nỗi kinh hoàng mà nếu phân tích thêm, chỉ muốn vứt cái đầu mình đi, không cần suy nghĩ nữa làm gì cho mệt óc.
Vậy cái gì đã gây nên nông nỗi?
Tôi không muốn tạo ra sự hiểu lầm là cái gì cũng do lỗi cộng sản.
Nhiều người rất cực đoan, nói ra cái gì sai, họ cũng đổ vấy hết cho cộng sản.
Nhưng cộng sản tệ đến thế mà cai trị được chúng ta đến ngày giờ này, thì chúng ta cũng tệ không kém!
Nghe nói cụ Tản Đà có câu:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn!
Cho nên quân ấy mới làm quan.
Những gì độc ác, bẩn thỉu của cộng sản, những người khác đã nói đầy cả ra rồi, tôi nghĩ mình cũng không cần nhắc lại.
Tôi chỉ nghĩ đến một điều, cái gì đã làm cộng sản tồn tại lâu như thế?
Ngoài sự cấu kết quyền lực – quyền lợi để cùng bảo vệ lẫn nhau, cộng sản đã làm gì để chúng ta thành ra một dân tộc việt nam hèn hạ tự trên xuống dưới, từ già tới trẻ như ngày hôm nay? Ngoài sự mafia, côn đồ, trấn áp bằng sợ hãi, giáo dục một cách ngu dân ra, chúng còn làm gì nữa?
Ai từng học luật đều biết, khi quy phạm pháp luật không điều chỉnh được, thì hành vi con người sẽ phải điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Pháp luật không theo con người lên giường, vào toa-lét, xuống bếp. Nhưng đạo đức theo ta khắp nơi, tận trong ngõ ngách tâm hồn. Pháp luật cũng không ép tạo ra đạo đức. Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin mà cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ,… Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,… thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm?
Còn những kẻ yếu không có niềm tin là có Phật, có Chúa, có Thánh Allah luôn soi sáng mình, giúp đỡ mình, ngự trị trong mình, thì họ còn biết dựa vào đâu để tìm lại niềm lạc quan mà sống? Mà tranh đấu để tự tìm lấy giá trị sống thiêng liêng mà đấng tạo hóa đã ban cho mỗi chúng ta?
Tôi có cảm giác như mình đang sống giữa một bầy đàn hỗn loạn nhưng hoang vu, hỗn loạn về vật chất – nhưng hoang vu về tinh thần. Bạn có thấy như thế không?
Giữa sự hỗn loạn và hoang vu ấy, cái ác sẽ luôn luôn ngự trị, kẻ có sức mạnh sẽ luôn trấn áp chúng ta. Chúng ta - những kẻ được đến trường nhưng thật ra thất học, những kẻ nghĩ mình lương thiện nhưng thật ra không có lương tri, những kẻ đủ ăn mặc nhưng thật sự chưa hề nếm mùi vị hạnh phúc, những kẻ đọc sách – nghe nhạc mỗi ngày nhưng không biết đó chẳng phải là nghệ thuật đích thực – một nền nghệ thuật có thể soi sáng tâm hồn ta chứ không phải ru ta ngủ trong quên lãng. Những kẻ hoang mang không biết tin ai, không hiểu nên làm gì cho đúng.
Lúc đó, lúc hỗn loạn và hoang vu đó, anh cộng sản xuất hiện và nói: Đời chúng mày chỉ cần độc lập – tự do – hạnh phúc.
Chúng ta tưởng thế là hay ho lắm! Dù nền độc lập này có mang lại tự do không? Có hạnh phúc không? Hay chúng ta đang cúi đầu nô dịch cho ai đây? Chúng ta thực chất đang sống thế nào đây? Và đang để lại cho con cháu chúng ta di sản gì?
Chúng ta đeo bám theo họ, quên cả chính bản thân mình, một con người, cần phải sống sao cho đúng nghĩa, đúng phẩm cách, hành động đúng theo những gì mà một con người có lương tri cần phải hành động.  
Bạn có đang tự hào vì mình là người việt nam không? Hỡi những con người ấu trĩ mang trong mình một đinh ninh sắt đá là tôi rất tự hào vì tôi là người việt nam “cần cù, nhân hậu, thông minh, kiên cường, bất khuất, đoàn kết thương yêu nhau,…” đã từng đấu tranh thắng Mỹ, các bạn không thấy điều đó nó hết thời rồi à? Ta thắng Mỹ để có một xã hội phồn vinh, một dân tộc được tôn trọng. Chứ còn thắng Tàu, thắng Pháp, thắng Mỹ, thắng khắp nơi… Mà ngày nay những kẻ ta từng thắng đó, nó coi chúng ta còn không hơn con chó thì cái chiến thắng đó nhắc tới làm chi cho thêm nhục?
Mặt phải, chúng ta ra rả trên báo mỗi ngày là “Mỹ đã đến biển Đông”, “bà Hillary dọa TQ không nên gây hấn”,.. để mong lòng dân yên ổn. Mặt trái, chúng ta tổ chức ngày hội gặp gỡ những lớp cán bộ đã từng được Tàu đào tạo để cám ơn họ đã “dạy dỗ” cả đám chóp bu việt nam. “Đĩ” chưa từng thấy! Chưa có cái chính quyền nào mà “đĩ” như chính quyền việt nam hiện tại. Dựa hơi mà cũng không biết dựa hẳn bên nào cho trót. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế nó không khinh?
Còn dân việt nam thì sao? Dám cầm súng đánh TQ hay đánh bất cứ thằng nào xâm lược việt nam nữa không? Mà cầm súng để làm gì? Kết quả của gần 40 năm độc lập, ai cũng thấy cả rồi, không cần nói nữa.
Và cả bọn hèn hạ chúng ta đang ôm lấy nhau, hồi hộp chờ đợi hồi chuông báo tử.
* * *
Bổ sung:
Sau khi bài này được upload, tôi nhận được khá nhiều comments và cả message. Không biết phải đánh giá như thế nào về những comments hỏi ngược lại tôi với một thái độ khinh khỉnh, qua nhiều câu chữ khác nhau, nhưng đại khái cùng 1 ý: "Vậy bạn có hèn không?". He he...
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh lại 1 điều, suốt cả bài viết, tôi không gọi những người hèn là "các bạn", tôi gọi là "chúng ta". Như vậy có dễ hiểu hơn chưa nhỉ?
Tôi không thích tự nhận hay gán ghép. Tôi chỉ nói lên những suy nghĩ của mình, còn đánh giá tôi hay đánh giá chính mình, các bạn cứ tự làm lấy. Thiết nghĩ, đâu cần phải tranh luận chuyện ai hèn, ai không hèn ở đây! Biết hay không biết mới là quan trọng. Mà cái sự khổ sở để đi từ cái "không biết/ chưa biết" đến cái "biết" nó sẽ là một quá trình gian nan mà mỗi người phải tự thân trải nghiệm. Không ai giúp ai được đâu. Và tôi hiểu, cái "biết" của tôi nó cũng chỉ giới hạn trong tầm nhân sinh quan nhỏ bé của cá nhân tôi mà thôi. Còn bạn, hãy tiếp tục giữ lấy niềm lạc quan của bạn. Con cừu vẫn có được niềm hạnh phúc mỗi ngày được gặm cỏ non, uống nước suối, ngắm bầu trời xanh, chờ đến ngày xẻ thịt mà! Đúng không? Hạnh phúc vẫn khắp quanh ta! Những con cừu không biết "tự sướng", không biết "thủ dâm tinh thần" thì quả thực là ngu còn hơn... cừu! He he...
* * *
Bổ sung tiếp:
"... Ông bảo xã hội nào cũng có những điều bẩn thỉu. Tôi công nhận điều ấy. Nhưng xã hội bẩn thỉu nhất ông có biết là xã hội nào không? Là xã hội mà thằng ăn cắp không cho rằng nó phạm pháp, nó đang làm điều xấu, người lương thiện thì run sợ, thằng bất lương lại coi việc nó làm là bình thường và kẻ vô liêm sỉ như ông thì vênh vang tự đắc: ta là số đông. Chính là xã hội này đây..." (trích comment của khongnoibiet).

Sunday, August 12, 2012

Mưa gió cuộc đời


[truyện]
Dạo 13- 14 tuổi, đêm có trăng tôi hay theo mấy thằng gần nhà ra vườn điều rìa xóm để rình mấy cặp tình nhân hò hẹn. Chuyện âu yếm lén lút của họ là trò cười tục tĩu của đám con trai mới lớn. Đến một đêm, chúng tôi bắt gặp chị Hồng, con cậu tôi với một người đàn ông lạ. Chúng không chỉ cười chị mà còn cười cả tôi. Từ đó tôi không đi theo chúng nữa. Và tôi giận, tránh mặt chị Hồng, người mà từ trước đến nay tôi vốn rất khắng khít.
Một hôm chị chặn tôi trên đường đi học về, mặt chị hốc hác, mắt sâu hoắm. Tôi bực vì lòng gợn lên ý nghĩ lý do sâu kín hàng đêm đã khiến chị tiều tụy. Chị hỏi tôi sao dạo này lại ghét bỏ chị như thế? Tôi gằm mặt không thèm trả lời. Ngẩng lên, thấy mắt chị đầy nước mắt.
Tôi chở chị đi phá thai ở nhà một bà bác sĩ có tiếng trong vùng. Bà bác sĩ còn trẻ, da trắng trẻo, đôi bàn tay đẹp như công chúa trong cổ tích. Tôi run cầm cập khi bà dắt chị Hồng vào trong, bên ngoài im ắng không vọng ra một tiếng động, khác hẳn với tưởng tượng của tôi sẽ đầy máu me và tiếng gào thét đau đớn của chị Hồng. Ngoài cửa sổ mưa rơi nhỏ giọt, phố xá vắng hoe. Tôi nén nỗi sợ, nhìn thấy cây đàn guitar nằm lạc lõng trên ghế sô pha, giữa một nơi như thế này?!... Tôi cầm lên, run rẩy gẩy vài nốt rời rạc. Lát sau bà bác sĩ trẻ xuất hiện, cười nhẹ, tay đưa tôi tách trà, bảo tôi chờ chị Hồng nằm nghỉ một lát rồi hẵng về, bàn tay sạch và trắng như cẩm thạch. Tôi nhấp trà, im lặng nghe bà chơi một bản nhạc rất buồn, trong một đêm mưa rả rích.
* * *
21 tuổi, tôi si mê cô giảng viên dạy môn Lịch sử văn minh phương Tây của mình. Người đàn bà có nét đẹp sang trọng, cổ điển song song với một cá tính hiện đại, hài hước. Tôi uống từng lời của cô trên lớp, âm thầm chạy xe theo cô về, đứng suốt đêm nhìn sang nhà cô từ bên kia đường, như một thằng điên vụng trộm.
Nhờ sự theo đuổi bệnh hoạn đó, tôi phát hiện ra cô sống một mình nhưng có một người đàn ông hay đến nhà cô giữa khuya, ra đi khi trời rạng sáng. Tôi khổ sở nhìn vẻ rạng rỡ quyến rũ của cô trên giảng đường. Cô bình thản nhìn đứa sinh viên giỏi nhất môn Lịch sử, thỉnh thoảng còn cười với tôi trong hành lang, khen tôi có những ý kiến rất thú vị. Bắt gặp ánh mắt tôi nhìn cô chằm chằm, cô khẽ nhướng mắt ngạc nhiên rồi cười nhẹ, bỏ đi, mặc tôi đứng ngơ ngẩn chôn chân một chỗ.
Đêm đó, như mọi khi, tôi đứng bên kia đường nhìn sang nhà cô. Hơn 11g đêm, người đàn ông đó chở cô về đến nhà. Đột ngột có đám người từ đâu xúm lại, chửi bới, hò hét, cấu xé, đánh đập,… Người đàn ông can ngăn được giây lát thì bị một người đàn bà lôi đi mất, bỏ cô lại với bầy quỷ dữ cùng một đám hiếu kỳ lắng tai nghe chửi bới để đoán xem chuyện gì đang xảy ra. Tôi liều lĩnh xông vào… Khi cảnh sát đến và bọn chúng bỏ đi thì cô và tôi đã tả tơi như hai cái mền rách.
Ra viện đi học lại, tôi buồn vì nhận ra cô đã không còn tự tin, hài hước như trước nữa. Những câu chuyện về các vị thần Hy Lạp không còn ngập tràn lãng mạn và tình yêu cuồng nhiệt, chúng chỉ có chua xót và sự phản bội. Bù lại, tôi sung sướng khi ánh nhìn của cô dành cho tôi không còn thờ ơ nữa. Tôi đã gắn kết với cô trong một sự kiện liên kết bí mật đầy hổ thẹn. Tôi bỏ thi cuối học kỳ môn của cô, quyết định lưu ban, bất kể chuyện gì có xảy ra đi nữa. Cả lớp ngạc nhiên vì đứa học giỏi như tôi lại bỏ thi, đồng nghĩa với trượt chuyển giai đoạn để vào chuyên ngành.
Cô gọi tôi ra một góc sân vắng rụng đầy hoa sứ trắng, giọng cô dịu dàng: “Hai tuần nữa em có thể thi lại, đừng để lỡ việc học. Cô đã xin nghỉ rồi, dù em có ở lại thì cũng vô nghĩa. Em chỉ là một con thuyền mà cô từng dùng để qua sông. Em còn trẻ và cả cuộc đời dài phía trước. Hãy xem cô như một cơn mưa gió của cuộc đời mà em buộc phải trải qua...”
* * *
26 tuổi, tôi vẫn là trai tơ, thường đăm đăm đứng nhìn từng giọt hình mưa rơi vào khung cửa kính.
Tan sở, tôi đi uống rượu về khuya. Chạy ngang con đường vắng bóng cây lấp tối, thấy nhòa nhạt phấn son chảy tràn trong đêm vắng. Tôi tấp xe bừa vào một bóng tối, vẫy tay cho cô gái bất chợt nhìn thấy. Ngồi sau lưng tôi, cô gái co ro vì ướt, run nhẹ vì lạnh. Cô làm tôi nhớ đến chị Hồng, cái đêm phá thai xong tôi chở chị về, trời cũng mưa thế này, gió cũng thổi thế này, và chị cũng cố giấu cơn run như thế…
Cô gái đến với tôi suốt thời gian dài sau đó, đến lúc cô nghĩ rằng chúng tôi đã là của nhau. Cô rụt rè nói sẽ xin đi làm việc khác để làm tôi thấy dễ chịu hơn. Tôi ngạc nhiên, vì tôi chưa bao giờ khó chịu với cô hay việc mà cô đang làm, tôi không quan tâm. Nghe tôi nói điều đó, cô sững sờ! Từ đó, biệt tăm.
Tôi có buồn trong ít lâu, nhưng tôi nhớ đến những lời của 5 năm về trước, em hãy xem anh như một cơn mưa gió cuộc đời mà em buộc phải trải qua…
* * *
36 tuổi. Trưa, trời mưa to tầm tã. Đứa con gái 7 tuổi cứ nhảy choi choi lên đòi tôi phải cho nó ra ngoài tắm mưa cùng những đứa trẻ hàng xóm. Tôi nhất định không cho. Nó quay sang nằn nì mẹ. Vợ tôi gật đầu, nó chạy biến ngay ra ngoài, không quên nhìn tôi cười đắc thắng.
Vợ tôi sợ tôi phiền, nói nhỏ: Kệ đi anh, để cho nó cứng cáp với người ta.
Tôi nhìn con gái nhòe trong bóng nước. Và tự hỏi không biết vợ tôi nghĩ gì khi nói ra câu đó? Còn tôi, tôi chỉ e rằng, mưa gió cuộc đời đâu phải lúc nào cũng có thể làm người ta đứng vững hơn?
@hanwonders